Mỗi sớm mai thức dậy, lặng ngắm bình minh trên bãi biển quê hương lòng tôi thấy yên bình mà thanh thản. Tôi thích cảm giác mỗi buổi chiều được thả chân trần, bước từng bước nhẹ nhàng trên bãi cát và cảm nhận sự mát lạnh của những hạt cát nhỏ li ti ấy. Tôi thích được ngắm hoàng hôn, nhìn mặt trời như lòng đỏ trứng gà đang từ từ khuất sau mặt nước mêng mông. Ôi! Quê hương tôi, bình yên đến lạ.
Tôi không biết gia đình tôi sống ở đây bao lâu rồi, chỉ biết từ khi sinh ra tôi đã nhìn thấy bãi biển quê hương. Cũng chính vì vậy mà từ lâu biển đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong cuộc sống của tôi cũng như gia đình tôi. Cha mẹ tôi sinh được 5 người con, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống gắn bó với biển lại đầy khó khăn hiểm nguy nên chuyện học hành đối với mấy anh em tôi quả thực rất khó. Hai chị và anh trai của tôi đều đã lập gia đình và có cuộc sống tương đối ổn định nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho cha mẹ. Em trai tôi đã nghỉ học từ khi lên lớp 5, vì hồi đó nhà tôi nghèo quá. Cha mẹ không đủ tiền cho hai anh em đi học. Tôi học khá hơn nên được ưu tiên cho đi học tiếp. Tôi tự nhủ “mình không thể phụ lòng cha mẹ, hơn nữa mình còn phải học thay cả phần của em trai nữa”. Nhìn cha mẹ đã già nhưng ngày đêm vẫn phải đi biển để lo cho cuộc sống của anh em tôi, tôi thấy thương cha mẹ quá. Tôi lại càng ra sức học hành hơn. Ngày tôi nhận được giấy báo đậu đại học, tôi đã sung sướng biết bao nhiêu, tay tôi run run
cầm lấy nó. Tôi chạy ngay về nhà để khoe với mẹ, mẹ mừng lắm, đôi tay gầy guộc đầy vết chai sạn của mẹ cầm giấy báo, mẹ ngắm thật kĩ, đọc đi đọc lại từng chữ một. Tôi nhìn mẹ và chợt nhận ra, ẩn sau đôi mắt hiền từ đầy yêu thương ấy là một nỗi ưu tư. Tôi học đại học nghĩa là trong nhà bớt đi một người làm, ngoài ra còn phải lo tiền ăn học cho tôi nữa.
Ước mơ của tôi là được bay cao, bay xa, tìm đến những chân trời mới, những vùng đất mới và chinh phục những thử thách mới. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, tôi sống không chỉ cho riêng bản thân tôi mà còn cho người khác nữa. Chính vì vậy mà tôi chọn ngành Sư Phạm ở trường Đại học Vinh. Học gần nhà tôi sẽ có điều kiện để giúp đỡ gia đình. Đại học, nó rắc rối hơn tôi nghĩ rất nhiều. Rời xa vòng tay ấm êm, luôn bao bọc chở che của cha mẹ là bao cám dỗ bủa vây lấy tôi như muốn nuốt chửng tôi. Tôi đã phải chiến đấu nhiều, thật nhiều để không sa vào những cơn cám dỗ đầy ngọt ngào ấy. Mỗi lần về quê tôi lại chạy ra biển, lặng ngồi trên bãi cát và ngắm biển. Hôm nay biển thật hiền hòa nhưng ai có thể biết được ngày mai nó có còn hiền hòa nữa không hay giông tố lại nổi lên. Hôm nay trời quang mây tạnh, nhưng biết đâu ngày maigió bão lại hoành hành. Cuộc sống của những người dân vùng biển quê tôi sao mà bấp bênh quá, đầy dẫy những hiểm nguy đang ngày đêm rình rập họ. Dẫu biết những khó khăn, nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng người dân ở đây vẫn sống, vẫn bám lấy biển vì đó là nguồn sống của họ. Có người đã từng nói “không có sóng lớn sao gọi là đại dương”, nhưng tôi lại
mong sóng đừng lớn quá, lớn quá lại khổ cho người dân biết bao nhiêu. Nhìn những em nhỏ đang nô đùa dưới ánh mặt trời buổi hoàng hôn, tôi thương chúng quá. Các em đang trong tuổi đi học nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên các em không được đến trường như bao em khác. Có lẽ chính vì vậy mà tôi càng quyết tâm chọn ngành sư phạm. Tôi muốn đem cái chữ đến với trẻ em vùng biển quê hương. Học sư phạm không mất tiền học phí nhưng cuộc sống của sinh viên ở thành phố nó tốn kém quá, bao nhiêu thứ phải lo. Có lẽ vì vậy mà mong muốn học thêm tiếng anh của tôi bị trì hoãn. Dẫu biết tiếng anh rất quan trọng đối với công việc sau này nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên tôi chưa thể đi học thêm được. Hiện tại tôi đang xin đi gia sư, một phần để giúp gia đình và cũng là để tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp tương lai.
Trên đây là một chút tâm sự của bản thân em gửi đến quỹ học bổng. Xin chúc quỹ học bổng ngày càng lớn mạnh để có điều kiện giúp đỡ thêm nhiều học sinh, sinh viên hơn nữa.
Nguyễn Văn Hậu Giáo xứ Tân Lộc – Hạt Cửa Lò Ngành: Sư Phạm Anh Trường Đại Học Vinh |