Ước mơ nho nhỏ

Có người định nghĩa “tuổi trẻ không chỉ có nghĩa là trẻ tuổi, còn có nghĩa là năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời”. Theo cảm nhận riêng tôi, tuổi trẻ chính là “sự bắt đầu”. Một cách cụ thể, đó là thời gian ta còn trẻ, có sức khỏe, có hoài bão, luôn muốn khẳng định bản thân, thử sức với mọi điều mới mẻ trong cuộc sống. Chính vì thế, tuổi trẻ là bước khởi đầu của tương lai khi ta có thể gọi là “đủ lông đủ cánh” để xông pha vào chiến trường “đời”. Nhưng tuổi trẻ cũng có nghĩa là “bồng bột và vấp ngã”.

   Ngày còn bé, ta có thể làm đủ mọi thứ chỉ cần thích, bởi dẫu có sai lầm cũng chỉ bị la nhẹ vì khi đó, ta chỉ đơn giản được gọi là “trẻ con”. Nhưng khi lớn lên, ở ngưỡng cửa của tuổi trẻ, ta có thêm một hành trang mới đó chính là “trách nhiệm”. Chính vì thế, mọi việc làm ra không chỉ có thể gọi đơn giản là thích, mà gọi là “tương lai” của mỗi con người. Cha ông ta có câu, “tuổi trẻ không gắng sức, già cả phải ngậm ngùi”. Thời gian chính là cơ hội của đời người, nhưng cũng chính là kẻ thù không đội trời chung của bất cứ ai. Khi ta còn trẻ, còn sức khỏe, đương nhiên không ít người nghĩ rằng thời gian còn dài, hà cớ gì phải làm bây giờ cho sớm. Và tuổi trẻ lại cứ thế ra đi khi mọi việc còn chưa được bắt đầu

   Tuổi trẻ luôn gắn liền với ước mơ, hoài bão. Chẳng ai đánh thuế ước mơ, vậy sao chúng ta lại tự giới hạn ước mơ của chính mình? “Ước mơ cũng chỉ là ước mơ” – đấy là cách nhiều người tự bao biện cho sự không cố gắng thực và thiếu quyết tâm của chính họ. Ước mơ thay đổi dần theo thời gian, tuổi tác. Từ cái đơn giản chỉ là có một chiếc diều của một đứa bé năm tuổi, rồi trở thành có một chiếc xe đạp của cô học sinh lớp ba, rồi trở thành giáo viên tiếng Anh của cô học sinh lớp năm,… đến khi học cấp ba thì ước mơ chính là làm bác sĩ.

   Và rồi kỳ thi quan trọng nhất cũng cận kề, con bé ấy  vẫn cắm đầu bên bàn học ôn tập, làm đề. Hẳn sĩ tử nào cũng thế, quên ăn, quên ngủ, mắt thâm quầng, đến cả khi ngồi ăn cơm với gia đình mà trong đầu vẫn nhấm nháp bài toán chưa giải được… Thi xong khối A với tâm trạng nhẹ nhõm lại nơm nớp lo sợ có phần hồi hộp cùng bố đi chuyến tàu vào thành phố Huế tiếp tục thi khối B.

   Tất cả hy vọng của cả gia đình là mong con bé đậu vào ngành Y Đa khoa – Đại học Huế. Trong đầu con bé cứ luôn nghĩ mấy tháng nữa là mình sẽ được vào thành phố Huế xinh đẹp học tập và rồi sau này mình sẽ trở thành một cô bác sỹ chân chính – một bác sỹ đúng nghĩa rồi khi bố mẹ hay người thân ốm đau, bệnh tật thì chính nó sẽ chữa bệnh cho họ. Còn nữa, nó sẽ đi làm từ thiện, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo, người già neo đơn, cả đồng bào miền núi và chả đâu xa xôi chính là ngôi làng của nó.

   Đó là một tương lai tươi đẹp mà nó hằng vẽ ra trong đầu – ước mơ đã được vun đắp suốt ba năm học trung học phổ thông. Gần một tháng chờ đợi cuối cùng cũng có điểm, khối A đậu chắc rồi còn khối B không an toàn, nó chờ chực xem điểm chuẩn.

   Mỗi đêm con bé cứ cầu nguyện chỉ mong vừa đủ điểm đậu thôi và cũng có vài phần tự tin như thế. Và rồi may mắn đã không mỉm cười với nó, thiếu nửa điểm, xót xa, đến bố mẹ nó còn tiếc chảy nước mắt huống gì con bé? Suốt mấy đêm khóc đến sưng cả mắt, hoàn toàn suy sụp, đầu óc cứ xoắn xuýt không nghĩ được gì. Mặc dù cả gia đình đều tránh không ai nhắc đến vì sợ nó buồn nhưng nó biết là bố mẹ càng buồn, càng thất vọng hơn. Nhờ sự chăm sóc, an ủi, động viên của bố mẹ, những câu chuyện thủ thỉ hằng đêm của chị và em trai mà con bé sau mấy ngày đã lấy lại được bình tĩnh, nói chuyện với bố mẹ. Và quyết định của cả gia đình là đi học ngành Công nghệ thông tin của Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, học kì I rồi kì II xin bảo lưu, ôn thi lại ngành Y Đa Khoa – Đại Học Huế.

   Và rồi con bé cũng ôm suy nghĩ ấy ra Hà Nội học, trước khi đi quyết định là thế nhưng học cũng được ba tháng rồi con bé chán nản hỏi ý kiến thầy cô, bạn bè về việc thi lại nhưng nhiều ý kiến trái chiều nên không biết   quyết định ra sao. Rồi một ngày bố nó gọi bảo: ”Thôi thì  học cũng được gần nửa năm rồi, đậu Y thì càng mừng nhưng lỡ không đậu thì lỡ mất nhiều cái lắm…… Con cứ cố gắng học. Đấy là ý của bố, còn quyết định như thế nào là của con”. Con gái thứ đi học xa nhà bố mẹ thương, lo lắng nhiều lắm.

   Cuối cùng nó quyết định nghe theo ý bố mẹ và thầy Hiệu trưởng cấp 3, tiếp tục theo học ngành Công nghệ thông tin, dù cuộc sống ở chốn Hà Thành nhiều cám dỗ nhưng nó vẫn cố gắng học tập và chi tiêu thật tiết kiệm. Kì một năm nhất đúng là học rất vất vả, vốn cấp ba nó chỉ tập trung học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh mà không đá động gì đến Tin học nên học ngôn ngữ lập trình C rất khó, hỏi hết bạn này đến bạn kia rồi mà vẫn không thể hiểu hết được các lệnh của một bài code mẫu, cảm thấy rất áp lực.

    Còn nữa, học các môn đại cương, ở cấp ba học mấy tuần mới hết một chương, còn đại học vèo một cái: một, hai chương giảng xong trong một buổi. Thực sự rất mệt mỏi nhưng nhờ bố mẹ, bạn bè không ngừng động viên nó nên kết quả cuối kì không đến nỗi tệ.

   Rồi sang kì hai nó bắt đầu học C++, rất thích thú vì được giảng viên tận tình giúp đỡ và đã học ngôn ngữ lập trình C nên khởi đầu rất tốt. Học hiểu nên dần dần nó thấy thích lập trình và kết quả học tập cũng theo đó mà tốt lên. Không thử làm thì không biết mình thích cái gì,  đối với ngôn ngữ lập trình cũng thế, ngoài các ngôn ngữ được học ở trường (C, C++, Java), nómày mò tự học thêm một vài ngôn ngữ khác như Python, HTML,…

Mục tiêu sắp tới cho tương lai của nó là trở thành một chuyên viên đảm bảo chất lượng phần mềm thông thạo cả kiểm thử thủ công và kiểm thử tự động, đạt chứng chỉ ISTQB (International Software Testing Qualifications Board), có thể sử dụng tiếng Anh tốt hơn và tự học được tiếng Nhật.

     Cô bé ngây ngô ngày nào giờ đã bước vào tuổi hai mươi mốt đầy thử thách, là cô sinh viên năm cuối, chín chắn hơn một chút, suy nghĩ và hành động cẩn thận hơn một chút. Và cô bé ấy là chính tôi. Sau khi hoàn thành tốt việc học đại học, tôi sẽ tìm một công việc ổn định,có thể lấn thêm sang kinh doanh, có tiền gửi về cho bố mẹ hàng tháng và nếu có thể sẽ tài trợ cho một số quỹ học bổng,để cùng quý các học bổng tiếp tục chắp cánh ước mơ cho các thế hệ đi sau.

    Ước mơ tuy nhỏ nhưng để thực hiện được nó, tôi đã đang va sẽ cố gắng thật nhiều. Bởi tôi tin rằng “Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực miễn là chúng ta giữ vững niềm tin đó.”

Maria Nguyễn Thị Hồng Hải Giáo xứ: Xã Đoài – Hạt Xã Đoài
Ngành: Công Nghệ Thông Tin Đại Học Quốc Gia Hà Nội  

                             

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *