Hành trình chinh phục ước mơ

Mỗi người trong chúng ta, có lẽ ai cũng có ước mơ cho riêng mình, mỗi người mỗi ước mơ khác nhau, ai cũng mong ước tương lai của mình rộng mở và tươi sáng. Đó cũng chính là động lực để thúc đẩy chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách ở hiện tại và nỗ lực phấn đấu để đạt được nó trong tương lai. Còn đối với tôi, tôi cũng ước rằng, 3 năm sau, khi tôi tốt nghiệp ngôi trường này, chiếc bằng trong tay tôi là học lực giỏi và khi tôi hành nghề, tôi sẽ là một bác sỹ giỏi – bác sỹ y học cổ truyền để chữa bệnh cho các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo.

   Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, có thể nói chỉ tính số lượng anh em chúng tôi thôi cũng đủ để lập một đội bóng đá tầm cỡ. Tôi là con út trong gia đình, được gọi với khá nhiều cái tên kỳ quái nhưng không kém phần dễ thương: Mập, Heo, Cọt, Đu Đủ, Siêu nhân ốc, Bà Khầm, Ủn ỉn, Vẹt Con, …Có lẽ do thân hình tôi khá…đồ sộ và tính cách thích xông pha làm những điều mà bọn con gái chúng tôi ít ai dám làm, cộng thêm cái miệng hay nói nữa.

   Mặc dù gia đình đông con, nhưng anh chị em chúng tôi rất thân thiết với nhau, chúng tôi thường chia sẽ cho nhau những miếng cơm manh áo, chắt chiu từng đồng lẻ để nuôi những ai có thể đi học miễn là học tốt. Trong số anh chị em, chỉ 4 người được đi học cấp 3, đại học cao đẳng, trong đó có tôi. Điều đặc biệt là trong số 4 người đó lại có đến 3 người đã và đang đi tu, và tôi tự hào về điều đó. Tuy vậy, nghèo thì vẫn hoàn nghèo thôi, nghèo đói thì sinh bệnh tật, bệnh tật

 nhiều thì càng nghèo đói, cái vòng luẩn quẩn đó không biết bao giờ mới có thể thoát ra khỏi gia đình tôi cũng như bao người có hoàn cảnh tương tự. Chính bản thân tôi cũng đã lọt vào số phận đó khi tôi biết mình bị nhiễm virut viêm gan B, một loại bệnh cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tất nhiên người có số phận hẩm hiu nhất trong gia đình tôi phải kể đến là mẹ tôi. Từ khi tôi còn học cấp 2, mẹ tôi đã mang trong mình nhiều bệnh tật như lao phổi, tiểu đường, tăng huyết áp,…và cũng có thể từ đó, tôi hình thành trong mình một ước mơ là sẽ trở thành bác sỹ để chữa bệnh, để ít ra cũng chữa được bệnh cho mẹ và mọi người trong gia đình mình.

    Nhưng lực học của tôi lại không đủ để tôi vừa có thể đi nhặt ve chai kiếm tiền vừa có thể đậu đại học y ngay từ lần thi đại học đầu tiên. Dù vậy tôi vẫn không muốn bỏ cuộc và muốn thử sức mình trong lần thi đại học thứ 2, đó là năm 2012. Thật may mắn, năm đó tôi đã đậu Trường Đại Học Y Huế – ngôi trường tôi đang theo học. Tôi còn nhớ rõ ngày nhận giấy báo trúng tuyển, bố mẹ và các anh chị tôi vui biết chừng nào, mà cũng không kém phần lo lắng, vì kinh tế gia đình tôi thật sự không ủng hộ việc này. Tuy nhiên, tôi cảm thấy Chúa luôn nhìn đến gia đình tôi, và tôi vẫn tiếp tục được đi học để theo đuổi ước mơ. Cách giải quyết duy nhất là mỗi người góp một phần vào kinh phí: bố mẹ một phần, các anh chị một phần và tôi tự túc một phần. Chính khoảng

thời gian tôi vừa làm thêm vừa học đó, đã giúp tôi nhìn cuộc sống này với những suy nghĩ khá chững chạc.

    Năm nay tôi là sinh viên năm thứ 3 (2014-2015), nhưng mẹ tôi lại là bệnh nhân của những ngày cuối đời, cuộc đời dường như hơi ngắn ngủi để cho tôi cơ hội báo đáp công ơn cha mẹ. Học hành chưa được một nửa quãng đường mà mẹ tôi bỏ lại anh chị em chúng tôi, bỏ lại tôi với ước mơ chưa thể thực hiện, một lần nữa tôi lại lung lay, một lần nữa tôi lại chùng bước. Dù vậy tôi còn có bố và các anh chị bên cạnh, họ không ngừng động viên tôi. Cũng từ đây, tôi bắt đầu đi thực tập tại Bệnh viện Trung ương Huế, được tiếp xúc và học hỏi ở nhiều bệnh nhân với nhiều loại bệnh khác nhau. Những buổi đi lâm sàng, nhìn những bệnh nhân đông đúc nằm liệt giường, tôi nhận thức rõ hơn về bổn phận và trách nhiệm của mình cũng như tính mạng của hàng ngàn bệnh nhân. Thật xót xa khi nhìn thấy cảnh những bệnh nhân mang bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa trị, đành ngậm ngùi ra về chờ tử thần đến đón. Không biết bao giờ, các nhân viên y tế biết đến Chúa Giêsu, các bệnh nhân nghèo sẽ không còn lo lắng kiếm tiền chữa bệnh, ai ai cũng sống khỏe, ai ai cũng được yêu thương.

      Để trở thành một bác sỹ giỏi không phải dễ, chương trình học của tôi ngày càng nhiều và đòi hỏi thật nỗ lực, bởi chúng tôi được đào tạo như một bác sỹ Đông- Tây kết hợp. Ngoài việc học hỏi và đào sâu kiến thức cổ truyền, chúng tôi còn phải luôn cập nhật kiến thức Tây y mới mẻ, nhiều chông

gai đang đợi tôi phía trước. Đôi khi tôi cảm thấy thật liều lĩnh vì chọn lựa cái nghề “chiến đấu với tử thần” này. Mạng người không gì có thể so sánh được, chữa bệnh mà thành công là trách nhiệm, nhưng sai sót dù chỉ một chút khi chữa bệnh làm ảnh hưởng đến mạng sống của người khác. Nhưng dù sao thì khó khăn mới thú vị, cuộc đời là những trải nghiệm và học hỏi, làm cho người khác vui, khỏe là niềm vui của tôi.

    Mỗi người chúng ta ai cũng nên có ước mơ, có mục đích sống thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa. Dù là ước mơ lớn hay nhỏ và con đường chúng ta chọn nhiều chông gai và thử thách, nhưng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và thành công, miễn là không bỏ cuộc. Còn với tôi, tôi chọn sẽ trở thành bác sỹ Y học cổ truyền giỏi về năng lực, tốt về y đức, dù khó khăn thế nào đi nữa, tôi vẫn sẽ chọn con đường đó và không bỏ cuộc.



Têrêxa Lê Thị HuệGiáo

xứ: Phú Vinh – Hạt Kẻ DừaNgành:

Y Học Cổ TruyềnTrường

Đại học Y Dược Huế



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *